Sức khỏe
Hà Nội: Chị bị rong kinh, em trai tiểu ra máu phải nhập viện gấp vì thói quen tai hại khi đi ngủ
Hà Nội: Chị bị rong kinh, em trai tiểu ra máu phải nhập viện gấp vì thói quen tai hại khi đi ngủ
Do chủ quan, nhất là khi ngủ, hai chị em đã phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, máu bị cô đặc và xuất huyết ở vùng kín.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dù mới đầu tháng 7 nhưng số lượng ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng bất thường, đặc biệt nhiều người còn chủ quan, không phát hiện sớm nên nhập viện trong tình trạng khá nặng. Hiện Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận và điều trị cho 8 bệnh nhân, đa số đều nặng, tiểu cầu giảm thấp và hầu hết có tình trạng cô đặc máu, xuất huyết khá nặng.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đến điều trị tại BV Bạch Mai đa số là trường hợp nặng, bị cô đặc máu.
Bà N.A (ở Hà Nội) vừa nhập viện ngày 10/7, trong tình trạng người đau mỏi, sốt cao và ăn uống khó khăn. Bác sĩ Cường cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân không hề biết mình bị sốt xuất huyết. Khi vừa tới viện, bác sĩ chưa kịp khám thì bệnh nhân đã ngã quỵ vì mệt mỏi. Kết quả thăm khám, xét nghiệm xác định bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dengue, hiện tiểu cầu xuống thấp, máu cô đặc nên được theo dõi sát sao để tránh tình trạng sốc, nguy hiểm đến tính mạng.
Nằm ở phòng bên cạnh là trường hợp của bệnh nhân N.L và N.H (ở Ba Đình, Hà Nội), đã nhập viện được vài ngày, hiện tình trạng vẫn khá nặng. Hai bệnh nhân là chị em ruột, sống cùng nhà và người mẹ cũng mắc sốt xuất huyết nhưng nhẹ hơn nên ở nhà theo dõi.
N.L cho biết, cô phát hiện mắc bệnh sau em trai và mẹ, ban đầu chỉ là mệt mỏi nhưng sau đó 4 ngày bất ngờ thấy ra máu âm đạo (rong kinh) nên vào viện điều trị. Hiện ngoài rong kinh, N.L còn bịchảy máu chân răng, máu cô đặc, tiểu cầu vẫn tụt từ trên 60 xuống còn 44 g/L.
Bác sĩ Cường đang thăm khám cho hai chị em ruột điều trị tại trung tâm.
Em trai của L cũng đang rất mệt mỏi, xuất huyết dưới da nhiều và tiểu cầu có thời điểm giảm xuống 1 con số (6 g/L), cũng bị cô đặc máu. Dù đã nhập viện điều trị được vài ngày nhưng thanh niên trẻ vẫn đi tiểu ra máu, cần được theo dõi sát sao.
Theo bác sĩ Cường, các trường hợp mắc sốt xuất huyết đang điều trị đa số đều chủ quan, đặc biệt là ngủ không mắc màn khiến muỗi đốt từ người bệnh truyền sang người lành và gây bệnh. “Gia đình em ở nhà mặt đất, mùa hè nóng và mắc màn vướng víu nên khi ngủ thường không mắc màn. Có lẽ chính thói quen khi ngủ này khiến 3 mẹ con em đều mắc bệnh”, bệnh nhân N.L chia sẻ.
PGS Đỗ Duy Cường cho biết, ngoài thói quen trong sinh hoạt, việc người dân chủ quan không phát hiện sớm khiến bệnh tiến triển nặng nhanh, thậm chí đối mặt với nguy kịch, tử vong. “Mọi người đã quen gọi tên bệnh là sốt xuất huyết, có nghĩa là bao giờ thấy dấu hiệu xuất huyết thì mới là mắc bệnh. Thực tế, cơ thể đã mắc bệnh 3-4 ngày trước và đến khi có triệu chứng xuất huyết thì bệnh đã trở nặng. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta cần gọi đúng tên bệnh là sốt dengue, người dân cũng cần làm quen với tên gọi này để không chủ quan, đến viện sớm khi có biểu hiện sốt cao bất thường, mệt mỏi, đau cơ…”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Ngủ không mắc màn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, nhất là thời điểm ổ dịch ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)
Trong gia đình, để phòng bệnh, mọi người nên lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt bọ giậy, ngủ mắc màn, khi có ổ dịch lưu hành cần phun thuốc muỗi… Ông Cường dự báo, dịch sốt xuất huyết thời gian tới sẽ có diễn biến phức tạp, vì thế các cơ sở y tế điều trị và dự phòng cần chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi cần.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 26, Thủ đô đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong. Cộng dồn trong năm 2023, Hà Nội có 823 ca mắc sốt xuất huyết. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca tử vong nào. Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.